Hầu hết mọi người đều sẽ trải qua chứng khó tiêu ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Cụm từ “khó tiêu” bao hàm hàng loạt triệu chứng liên quan đến tiêu hoá và đó là một vấn đề thường gặp ảnh hưởng đến khá nhiều người, nhất là sau khi ăn hoặc uống. Chúng thường xảy ra khi có tình trạng tăng tiết acid trong dạ dày.
Đặc điểm triệu chứng của đầy bụng khó tiêu
Có thể cảm thấy cơn đau nhức, khó chịu hoặc nóng rát ở vùng ngực thấp hoặc ở đỉnh dạ dày. Tuy nhiên, nhiều người phàn nàn về việc họ cảm thấy “sình bụng” hoặc cảm thấy no và đầy hơi một cách khó chịu – họ cần phải ợ rất nhiều. Bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn, cảm thấy vị chua ở miệng và chán ăn.
Các nguyên nhân gây chứng đầy bụng khó tiêu
Khó tiêu là triệu chứng chứ không phải một bệnh. Một số bệnh có thể gây ra triệu chứng khó tiêu:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Loét dạ dày
- Ung thư dạ dày
- Viêm dạ dày mạn do Helicobacter pylori
- Loét tá tràng
- Hội chứng ruột kích thích
- Viêm gan
- Viêm đường mật…
Các yếu tố có thể làm nặng hơn tình trạng khó tiêu
Cách bạn ăn có thể làm tình trạng khó tiêu nặng hơn
- Ăn nhiều có thể khiến dạ dày tiết ra nhiều acid. Việc dạ dày được “lấp đầy quá mức” có thể gây tăng áp lực trong dạ dày và khởi phát triệu chứng.
- Ăn uống không điều độ hoặc quá nhanh có thể khiến nồng độ acid trong acid dạ dày không có thời gian để điều tiết.
- Nói chuyện trong khi ăn hoặc ăn quá nhanh sẽ làm bạn nuốt quá nhiều không khí sẽ làm nặng hơn tình trạng khó tiêu.
- Vừa ăn vừa hoạt động hoặc ăn trước khi đi ngủ có thể khiến acid dễ dàng trào ngược vào thực quản.
Loại thức ăn bạn dùng cũng là nguyên nhân tăng tình trạng khó tiêu
- Thức ăn nhiều dầu mỡ thường ở lại trong dạ dày lâu hơn vì khó để tiêu hoá chất béo hơn.
- Các thức ăn chua, cay, nhiều tinh bột, giàu chất xơ khi ăn nhiều gây chướng bụng, đầy hơi, ăn không tiêu hoặc cảm giác đau âm ỉ vùng dạ dày.
Thức ăn nhiều tinh bột cũng là một trong những nguyên nhân tăng tình trạng khó tiêu
Loại thức uống chứa cồn làm tăng acid trong dạ dày
- Các thức uống có chứa caffeine hoặc đồ uống có cồn thường làm tăng acid trong dạ dày.
- Thức uống nóng và thức uống chua cũng có thể là tác nhân gây kích thích tăng tiết acid dạ dày.
Trong giai đoạn thai kỳ, bà bầu thường bị đầy bụng
- Nội tiết tố thay đổi trong suốt thai kỳ.
- Khi mang thai các cơ đẩy thức ăn xuống thực quản vào dạ dày hoạt động chậm hơn, khiến cho tiêu hóa bị chậm lại.
- Khi thai nhi lớn dần sẽ đè lên dạ dày, tạo ra áp lực đẩy dịch vị trào ngược lên thực quản.
Bà bầu thường bị đầy bụng trong giai đoạn thai kỳ
Một vài tác nhân được biết đến có thể gây tình trạng khó tiêu
- Căng thẳng đầu óc
- Một số loại thuốc, như thuốc trị bệnh tim, hen suyễn, cao huyết áp…
- Thừa cân, béo phì
- Mặc quần áo quá chật cũng có thể gây áp lực lên dạ dày.
- Hút thuốc lá có thể kích thích sản xuất acid và khiến cho cơ vòng thả lỏng.
Đôi khi một số người có thể xác định được các yếu tố dẫn đến triệu chứng của họ và có những điều chỉnh để làm giảm triệu chứng đầy bụng khó tiêu. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải các triệu chứng này thường xuyên, gây ra sự khó chịu cho bạn, hoặc có các thắc mắc, bạn nên đi khám bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.
Theo Báo Sức Khỏe và Đời Sống
Bài viết đã đăng 1 tháng 1, 2021